Khởi nghĩa Trần_Cảo_(tướng_khởi_nghĩa)

Sử chép Trần Cảo là người trang Dưỡng Chân, huyện Thủy Đường, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương (nay là huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng).

Cuối thời Lê sơ, Trần Cảo làm đến chức Thuần Mỹ điện giám. Bấy giờ, vua Lê Uy Mục thì tàn ác, vua Lê Tương Dực thì hoang phí sa đọa, triều chính rối ren, khởi nghĩa nông dân liên tiếp nổ ra. Trần Cảo nghe lời sấm truyền trong dân gian rằng "đông phương hữu thiên tử khí"[1], bèn quyết định khởi binh lập nghiệp lớn.

Ông tụ tập những người tha hương trốn tránh làm vây cánh, tự xưng là cháu năm đời của vua Trần Thái Tông và là ngoại thích của Quang Thục hoàng hậu, mẹ vua Lê Thánh Tông. Tháng 3 năm 1516, ông cùng con là Cung (㫒) [2] và các thủ hạ Phan Ất[3] người Chiêm Thành, Đình Ngạn, Đình Nghệ, Công Uẩn, Đình Bảo, Đoàn Bố dấy binh khởi nghĩa ở chùa Quỳnh Lâm, chiếm cứ hai huyện Thủy Đường và Đông Triều.

Trần Cảo khi ra trận mình mặc áo đen, quân lính đều cạo trọc đầu, để ba chỏm tóc nên còn gọi là lính tam đóa (三鬌, nghĩa là ba chỏm tóc). Ông tự xưng là Đế Thích giáng sinh, xưng làm vua, đặt niên hiệu là Thiên Ứng (天應). Cả một vùng Hải Dương phía đông, quân nhà Lê không chống đỡ nổi, quân tam đóa làm chủ. "Đại Việt thông sử" ghi nhận: "vùng Hải Dương đều rạp xuống như cỏ gặp gió, không ai chống cự nổi". Quân của Trần Cảo đông tới vài vạn người.